Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

CÔ BÉ TÔI THƯƠNG - Thơ Duy Anh và Thơ Họa


                               

CÔ BÉ TÔI THƯƠNG

    (Bát Vỹ Đồng Âm) 

Cô bé tôi thương mặc áo dài

Tay vin nón lá bước khoan thai.

Mượt mà tha thướt thân mềm mại

Thon thả dịu dàng dáng mảnh mai.

Lịch lãm yêu kiều người quý phái

Thanh tao nhã nhặn nét trang đài.

Tóc thề buông xỏa... ôi xinh gái!

Say đắm nhìn em nhẹ gót hài...

DUY ANH

04/12/2024


Thơ Họa:

HỒN TÂN RUỔI MỘNG

Thả xuống miên man suối tóc dài

Hồn tân ruổi mộng cõi thiên thai

Hoa thơm bướm liệng quanh vườn ái

Nụ thắm ong vờn quẩn nhánh mai

Hẹn trước tương phùng trên bến hải

Thề sau tái ngộ dưới tuyền đài

Trai hiền, gái thục… thời xa ngái

Cổ tích lung linh những dấu hài

Lý Đức Quỳnh

   13/4/2024


NHƯ TIÊN GIÁNG THẾ

Em đi... yểu điệu tóc buông dài

Đẹp tựa nàng tiên mới thoát thai

Da trắng mịn màng như gốm sứ

Áo vàng óng ả tưa màu mai

Nụ cười tỏa sáng niềm thân ái

Vóc dáng mềm phô nét diễm đài

Tà lụa bay trong chiều lộng gió

Nhẹ nhàng, lững thững gót sen hài.

  Sông Thu

( 14/04/2024 )

 

THƯƠNG PHẬN NỮ NHI

Thấy thương cô gái cặp chân dài

Khi biết là mịnh được cấn thai

Thiên chức trời ban phai dáng ngọc

Vóc hình, hạc mất hết xương mai

Cưu mang sự sống trong thân thể

Tiếp nhận mầm sinh nặng dấu hài

Nối nghiệp cho chồng không quản ngại

Nắm tay xây dựng một lâu đài.

2024-04-14

  Võ Ngô

 

    BÉ DỄ THƯƠNG

Thương thương cô bé thả chân dài,

Từng bước yêu kiều nón thảnh thai.

Mắt liếc nắng rơi vai mịn mại,

Môi nhô bướm thoát bỏ nàng mai.

Nụ cười he hé chim chia phái,

Làn tóc đùa vai én bỏ đài.

Ngực nở thu hồn bay xoáy lái,

Bé ơi! Nhớ mãi nét nhung hài!

                       *

Bên cạnh em giờ đã có ai??!

HỒ NGUYỄN

 (14-4-2024)

 

       CA KỶ

Thon thả bàn tay ngón thật dài

Giọng ca thánh thót khúc thiên thai

Ôm cầm tấu bản tình nhân ái

Thổi sáo ngân bài nghĩa trúc mai

Rộn rã điệu valse chân quyện vải

Nhịp nhàng tiếng nhạc, gót khua đài

Thân nàng uyển chuyển,chàng ngây dại

Lãng tử đắm say ngắm sắc hài.

     LAN

(14/04/2024)

 

TÔI THƯƠNG CÔ BÉ

       (Bát Vỹ Đồng Âm)

Tôi thương cô bé áo hoa dài,

Trắng trẻo mầu xuân dáng các đài.

Thon thả lưng ong tô sắc gái,

Thơ ngây hương phấn tựa đào mai.

Tóc mây đen mướt xinh thần thái,

Trang phục dịu dàng đẹp nét hài.

Tư cách thanh tao danh nữ phái…

Thầm khen người ngọc chốn thiên thai !

Liêu Xuyên

 

     THỜI NAY

Thời nay nổi tiếng gái chân dài

Tha thướt lụa là dáng ngộ thai

Mắt liếc sửa nhiều ra lé mại

Lông mày xệ xuống chạm rìa mai

Đua đòi làm đẹp tay nghề tạp

Thất vọng kỳ thi chắc xuống đài

Nhắn gởi coi chừng hàng dởm dảo

Ngẫm xưa cổ tích đọ chân hài …

  Yên Hà

14/4/2024

 

         MƠ MỘNG

        (Bát Vỹ Đồng Âm)

Vẫn ước cùng mơ giấc mộng dài

Đôi mình thưởng ngoạn khắp thiên thai

Bồi hồi ý gợi chờ hoa ngải 

Hớn hở môi cười đón nụ mai

Khẽ nhắc miền xa đầy cỏ dại

Thầm tin chốn cũ lắm lâu đài

Khi nào duyên hợp về chung mái

Nhấp cạn trà ngon kể chuyện hài!

  Như Thu

04/14/2024

 

THANH THOÁT-TU HÀNH

        (Bát vĩ đồng âm)

Yểu điệu ai xinh đẹp tóc dài

Một người học giỏi mộng Thiên Thai

Hà Đông áo lụa đây em gái

Đà Nẵng Chợ Hàn đó chậu mai

Lễ Sĩ niềm tin đời quý phái

Đồng Nhi tín ngưỡng Đạo Cao Đài

Nhẹ nhàng duyên dáng ơi em gái

Thanh thoát chân đi dấu bước hài…!

MAI XUÂN THANH

Bay Area Thung lũng hoa vàng, April 14, 2024

 

   MỘNG DẤU HÀI 

Ngày đó bên em đếm bước dài

Mơ mòng cảm nhận cảnh thiên thai

Áo xanh quàng lụa xinh “mài mại “

Bông đỏ dắt đầu đẹp trúc mai

Cử chỉ bàn tay xao xuyến phái

Miệng môi ánh mắt luyến lưu đài

Hỡi ôi ,ta phải lòng em gái !

Thao thức năm canh mộng dấu hài !

PHƯỢNG HỒNG

 

     BÉ THƯƠNG

Em thích đôi tay với móng dài

Em đã dăm lần bị sẩy thai

Em khóc tu hu làm dỗ mãi

Em cười hi hí bảo cần mai

Em thời muốn đến thăm dân Thái

Em cũng mong qua viếng xứ Đài…

Em chả bao giờ ăm phở tái

Em với mình đây chuộc tấu hài.

Thái Huy

 4/15/24

 

       Y ĐỀ

Tưởng minh Lưu Nguyễn lạc thiên thai

Giữa một rừng hoa áo lụa dài

Cô bé nép bên chàng mũ đỏ

Tóc huyền cài nhẹ đóa huỳnh mai

Quốc kỷ phơi phới trong làn gió

Chiến sĩ uy nghi trước tượng đài

Mấy chục năm rồi anh vẫn nhớ

Vẫn ngơ ngẩn tiếc gót sen hài !

Thy Lệ Trang

 

       THEO EM

Ngày xưa Giáng Ngọc tóc buông dài

Lạc bước trần gian vướng trúc mai

Áo lụa trắng ngần thêu cúc dại

Nàng tiên kiều diễm dạo thiên thai

Tính tình trang nhã không phe phái

Cốt cách thanh tao dáng các đài

Mấy đấng mày râu mê tán gái

Em xin từ chối… chẳng mang hài !

THIÊN LÝ




Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ TÂM - Đỗ Chiêu Đức

 Tạp Ghi và Phiếm Luận : 


                                   Chữ TÂM
               
                   

      TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên TÂM còn có nghĩa là Lòng Dạ con người. TÂM là một Bộ 4 nét trong 214 Bộ Thủ của "CHỮ NHO... DỄ HỌC" theo diễn tiến chữ viết Tượng Hình như sau:

 Giáp Cốt Văn   Đại Triện    Tiểu Triện   Lệ Thư        Khải Thư                      

Ta thấy :
            Hình Trái Tim được vẽ có 4 ngăn hẵn hoi, lần lần chuyển biến như hình cái bụng nhọn bên dưới, qua chữ Triện thì thành những nét cong queo chỉ cuốn tim ở bên trên, đến Lệ Thư thì lại được kéo thẳng thành một nét dài và 3 chấm, và kịp đến chữ Khải như hiện nay (心) thì mới giống như là cụ Nguyễn Du đã diễn tả khi cho Thúy Kiều nhớ đến Thúc Kỳ TÂM, tức là chàng Thúc Sinh khi đang về thăm vợ cả là Hoạn Thư, như sau:

                            Đêm thu gió lọt song đào,
                   Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời !

        Cụ Nguyễn Du đã thi vị hóa chữ TÂM 心 giống như là "Nửa vành trăng khuyết  ba sao giữa trời !". Rõ khéo ví von chữ TÂM 心 một cách vô cùng nên thơ thi vị !

                            
                        

       Chữ TÂM tuy chỉ đơn giản có 4 nét, nhưng lại hàm chứa rất nhiều ý nghĩa đối với con người và cuộc sống. Trước tiên...
      - TÂM 心 là Trái Tim, là một trong Ngũ tạng 五 臟 : Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận 心,肝,脾,肺,腎 của con người, tương ứng với Ngũ hành 五 行 là Hoả, Mộc, Thổ, Kim, Thuỷ 火,木,土,金,水, và lại ứng với Ngũ thanh 五 聲 là Năm thanh sắc của con người. Đó là Tiếu, Hô, Ca, Khốc, Thân 笑, 呼, 歌, 哭, 呻 (là Cười, Hét, Hát, Khóc, Rên). TÂM ứng với hành Hỏa và thanh Tiếu là Cười, nên trong truyện võ hiệp của nhà văn Kim Dung, những người bị trúng phải Thôi Tâm Chưởng 推 心 掌, tuy trái tim bị dập nát mà chết nhưng trên gương mặt co rúm lại như đang nở một nụ cười. Sự thật khi tim bị nhói đau thì nét mặt lộ những vết nhăn như đang cười chứ không phải là cười thật.
     - TÂM 心 là Lòng Dạ của con người và của cả những động vật sống chung quanh con người, nên ta lại có các thành ngữ như: Lang Tâm Cẩu Phế 狼 心 狗 肺 là "Tim của con sói, phổi của con chó". Ta dịch Nôm na là "Lòng Lang Dạ Sói"; và Xà Hiết Tâm Trường 蛇 蝎 心 腸 là "Tim và ruột của rắn và bọ cạp". Ta thường nói là "Lòng Dạ Rắn Rết". 
     - TÂM 心 là phần giữa của sự vật và thực vật, như: Giang Tâm 江 心 là Giữa lòng sông; Địa Tâm 地 心 là Giữa lòng đất; Chưởng Tâm 掌 心 là lòng bàn tay; Hoa Tâm 花 心 là giữa lòng hoa, là Nhụy hoa... 
        Nhắc đến HOA TÂM 花 心 là Trong Lòng Hoa, ta lại nhớ về một giai thoại điển tích rất thú vị giữa Tô Đông Pha và Vương An Thạch như sau...

        Vương  An Thạch 王 安 石(1021—1086,tự là Giới Phủ 介甫,hiệu là Bán Sơn 半 山 là Tể Tướng đương triều thời Bắc Tống, chẳng những giỏi văn thơ mà còn giỏi về chính trị nữa (Vương An Thạch Tân Pháp, là cải cách chính trị nổi tiếng của ông lúc bấy giờ, ở đây, ta chỉ nói về văn thơ của ông mà thôi). còn Tô Đông Pha tên thực là Tô Thức 蘇 軾(1037—1101)tự là Tử Chiêm 子 瞻, là một quan Hàn Lâm, rất giỏi văn thơ. (Trong Đường Tống Bát Đại Gia thì cha con Tô Đông Pha chiếm hết 3 ghế rồi). Có lẽ vì thế mà ông cũng có hơi hợm mình, nên mới dám cả gan sửa thơ của Tể Tướng, vì ông cho là Vương An Thạch đã nhầm lẫn khi viết hai câu thơ sau đây:

    明 月 當 頭 叫,    Minh nguyệt đương đầu KHIẾU, 
    黄 狗 卧 花 心.    Hoàng cẩu ngọa HOA TÂM .         
Có nghĩa :
              Trăng sáng KÊU ngay ở trên đĩnh đầu, và...
              Con chó vàng nằm ở giữa LÒNG HOA.

       Ông cho là Tể Tướng đã lẫm cẫm nên nhầm, mới sửa lại thành:

    明 月 當 頭 照,    Minh nguyệt đương đầu CHIẾU,   
    黄 狗 卧 花 陰.    Hoàng cẩu ngọa hoa ÂM.             
Có nghĩa :
               Trăng sáng SOI ngay trên đĩnh đầu, và... 
               Con chó vàng nằm DƯỚI BÓNG HOA.

                
                             

        Vương giận, cho là ông làm tài khôn sửa bậy thơ của người khác, mới đày ông xuống miền Mân Nam (Vùng Phúc Kiến, Quảng Đông ngày nay).               
        Một hôm, Tô Đông Pha đi dạo trong vùng Hợp Phố để thăm hỏi dân tình thì thấy một con chim lạ rất đẹp, mới hỏi thăm dân làng đó là con chim gì? Dân làng đáp rằng: Đó là con chim Minh Nguyệt! Tô nghe nói giật mình. Dân lại nói tiếp là, loài chim nầy chuyên tìm ăn loại sâu bọ màu vàng nằm giữa lòng hoa. Tô hỏi là loại sâu gì? Dân bèn tìm ngắt một đóa hoa thật đẹp, nhưng ở giữa nhụy hoa có một con sâu màu vàng nằm cuốn tròn, mõm dài và mình đầy lông trông như một con chó con bé xíu, dân bảo con sâu đó tên là Hoàng Cẩu! Tô bèn thở dài và chép miệng: "Thật đáng kiếp!" Ông trách cho sự dốt nát và hợm hĩnh của mình. Từ đó, mới chịu phục Tể Tướng Vương An Thạch là giỏi...
        Thì ra hai câu thơ của Tể Tướng là để nói về 2 loài vật nầy:

              Con CHIM Minh Nguyệt đang hót ở trên đĩnh đầu, và...
              Con SÂU Hoàng Cẩu nằm rút mình trong lòng hoa.

          Cho hay kiến thức ở trên đời là bao la, nếu cứ chấp nê bất ngộ tưởng mình là tài giỏi nhất thiên hạ, thì có ngày cũng phải hối tiếc cho sự hợm hĩnh của mình như là Tô Đông Pha vậy!

               
                 Vương An Thạch  và   Tô Đông Pha

     - TÂM 心 còn là tư tưởng ý niệm trong lòng con người, như: Nội Tâm 内 心 là những suy nghĩ và ẩn ức sâu kín ở trong lòng; Động Tâm 動 心 là Lòng bị lay động nên chú ý đến việc gì đó; Từ Tâm 慈 心 là Lòng nhân từ, hiền lành; Ác Tâm 惡 心 là Lòng dạ nham hiễm độc ác...
     - ĐỘNG TÂM 動 心 ta nói là ĐỘNG LÒNG trước một việc gì đó. Như khi biết Thúc Sinh chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về, Thúc Ông đã thưa lên quan Phủ để bắt Thúy Kiều về lại lầu xanh. Quan phủ cũng đã phán: "Một là cứ phép gia hình, Một là lại cứ lầu xanh phó về". Nhưng Thúy Kiều thà chịu "gia hình" chứ không chịu về lại lầu xanh, nên bị gia hình đến nỗi "Đào hoen hoẹn má liễu tan tác mày", làm cho chàng Thúc "Đứng xa trông thấy lòng càng xót xa" vừa khóc vừa tự trách mình:

             Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu.
        Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai.
  ...khóc than đến nỗi:
              Phủ đường nghe thoảng vào tai,
        ĐỘNG LÒNG lại gạn đến lời riêng tây.

        Nhờ Quan Phủ ĐỘNG LÒNG mà Thuý Kiều được tha, lại còn được quan đứng ra làm chủ hôn để kết hợp cho đôi lứa nữa.

     - TÂM là Tim, nên TÂM SỰ 心 事 : là Chuyện của Trái Tim, là chuyện chất chứa ở trong lòng: Chuyện về tình yêu, công danh, sự nghiệp... đang ấp ủ trong lòng, nên Thổ Lộ Tâm Sự 吐 露 心 事 là bày tỏ nỗi lòng của mình với ai đó.
      
     - TÂM PHÚC 心 腹 : Tâm là Lòng, Phúc là Bụng, nên TÂM PHÚC là Bụng Dạ, là Lòng Dạ. Người Tâm Phúc là Người mà ta hết lòng hết dạ tin tưởng. Nỗi lo Tâm Phúc là Nỗi lo cứ canh cánh mãi bên lòng.

      Nói chung, TÂM là trái tim, là chủ tễ của sinh mạng. Không có tim thì con người sẽ chết. TÂM còn là Lòng dạ và Tư duy của con người. Cái Tâm làm nên con người tốt hay xấu, phải hay trái, đúng hay sai và làm nên tất cả đời sống yên vui hạnh phúc hay trắc trở lầm than của con người... Tất cả đều là do cái TÂM mà ra cả! Cụ thể như...
      Đối với cha mẹ thì phải có Hiếu Tâm 孝 心 là Lòng hiếu thảo; Làm việc thì phải Tận Tâm 盡 心 là hết lòng hết dạ; Làm thuộc cấp của người khác thì phải Trung Tâm 忠 心 là phải có lòng trung thành; Làm xếp làm lãnh đạo thì phải có Nhân Tâm 仁 心 là lòng nhân từ, không qúa hà khắc với nhân viên; Học hành hay làm việc gì đó thì phải có Quyết Tâm 決 心; Tìm hiểu một ngành nghề nào đó thì phải Chuyên Tâm 專 心; Giao tiếp ngoài xã hội thì luôn luôn phải Lưu Tâm 留 心 để ý học tập và phòng ngừa bất trắc; Đối nhân xử thế thì luôn phải Tiểu Tâm 小 心 Cẩn thận; Sửa sai việc gì đó thì phải có Thành Tâm 誠 心 và cả Dũng Tâm 勇 心 nữa; Đối diện với cuộc sống luôn luôn phải Tín Tâm 信 心 là có Lòng tin về cuộc sống trước mắt; và nhất là phải luôn giữ cho mình cái Lạc Quan Tâm 樂 觀 心, là giữ được cái lòng luôn vui vẻ để đối mặt với cuộc sống!

                                                
                     Các Dạng của chữ TÂM  心

        Ngoài NHÂN TÂM 仁 心 là lòng nhân từ ra; ta còn có NHÂN TÂM 人 心  là Trái tim của người ta, cũng là Lòng Dạ của con người; mà lòng dạ con người thì vô chừng: Khi tốt khi xấu, khi thì nhân từ, lúc lại nhẫn tâm; có lúc thánh thiện từ ái như lòng Bồ tát, khi lại nhẫn tâm hiễm độc tựa ác ma, nên ta có thành ngữ là Nhân Tâm Nan Trắc 人 心 難 測, có nghĩa: Lòng người khó mà đoán biết được.  Cụ Nguyễn Du khi diễn tả sự nham hiễm của Hoạn Thư cũng đã hạ câu:

                 Bề ngoài thơn thớt nói cười,
          Mà trong nham hiễm giết người không dao.

     Không làm gì được trước cô vợ qúa quắc, Thúc Sinh đành phải khuyên Kiều bỏ trốn "Liệu mà xa chạy cao bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi!" Chàng đã nhận xét:

                 Sinh rằng: Riêng tưởng bấy lâu,
          Lòng Người nham hiểm biết đâu mà lường.

      "Lòng Người nham hiểm biết đâu mà lường" là nói theo câu chữ Nho "Thâm uyên chung hữu đễ, Nhân tâm bất khả trắc 深 淵 終 有 底, 人 心 不 可 測" Có nghĩa : Vực sâu còn có đáy, chớ lòng người thì không thể đo lường được".

      Trong Bi Thiếp Văn 碑 帖 文 đời nhà Minh có mấy câu viết về nhân tình thế thái rất hay, rất sâu sắc như sau:

 登 天 難,求 人 更 難;   Đăng thiên nan, cầu nhân cánh nan;
 黃 連 苦,窮 人 更 苦;Huỳnh liên khổ, cùng nhân cánh khổ;
 春 冰 薄,人 情 更 薄;Xuân băng bạc, nhân tình cánh bạc;
 江 湖 險,人 心 更 險;Giang hồ hiễm, nhân tâm cánh hiễm.
 知 其 難,食 其 苦,     Tri kỳ nan, thực kỳ khổ,      
 耐 其 薄,驗 其 險;     nại kỳ bạc, nghiệm kỳ hiễm,
 可 以 應 變 而 處 世 為 人 也!  Khả dĩ ứng biến nhi xử thế vi                                                              nhân dã !
Có nghĩa :
         - Lên trời đã khó, cầu cạnh người ta càng khó khăn hơn;
         - Huỳnh liên đắng, người nghèo khổ càng cay đắng hơn;
         - Băng sáng xuân rất mỏng, tình người càng mỏng hơn nữa;
         - Giang hồ hiễm ác, lòng người càng hiễm ác hơn;
         - Biết được cái khó khi cầu cạnh người khác; Nếm trải                     được cay đắng của sự nghèo khổ; 
          Từng chịu đựng qua sự bạc bẽo của tình người; Có thể trải             nghiệm được sự hiễm ác của lòng người là như thế nào...
        - thì ta đã có thể ứng biến để đối phó với mọi tình huống trong việc xử thế và làm người rồi đó!
       Nghe có vẻ bi quan nhưng lại rất thực tế trong đời sống của con người.
           


        Ông bà ta xưa cũng thường hay nhắc câu:

            長 途 知 馬 力,    Trường đồ tri mã lực,
            事 久 見 人 心 !     Sự cửu kiến Nhân Tâm !
Có nghĩa :
             - Đường dài mới biết được sức ngựa  (bền hay không bền),
             - Chuyện gì đó lâu dần mới thấy được lòng người  (tốt hay không tốt).

      Trong Tăng Quảng Hiền Văn thì lại ghi là:

            路 遥 知 馬 力,    Lộ diêu tri mã lực,
           日 久 見 人 心 !      Nhựt cửu kiến Nhân Tâm !  
Có nghĩa :
             - Đường có xa xôi mới biết được sức ngựa  (hay hay không hay),
             - Ngày tháng lâu dần mới thấy được lòng người  (tốt hay không tốt). 

          Nghĩa cũng tương đương như câu nói trên mà thôi!  
           
                   

       TÂM còn là TÂM Ý 心 意, mà Tâm Ý là lòng dạ, là ý nghĩ, ý định ở trong lòng ai đó. Đôi khi Tâm Ý còn chỉ những mong mỏi ước muốn ở trong lòng. Ta có thành ngữ "Tâm Ý Hợp Nhất 心 意 合 一" để chỉ những ý nghĩ và mong muốn đều giống như nhau của hai người hoặc của một nhóm người nào đó. Để chỉ những người cùng chung chí hướng với nhau, ta có thành ngữ "Tâm Ý Tương Đồng 心 意 相 同". Còn thành ngữ "Tâm Ý Tương Thông 心 意 相 通" thì thường dùng để chỉ hai người bạn thân hoặc hai kẻ yêu nhau cùng đoán và hiểu được ý nghĩ và ước muốn của nhau.

      TÂM TÌNH 心 情 là Tâm Tư Tình Cảm. Nói chuyện Tâm Tình là bày tỏ với đối phương về tâm tư và tình cảm của mình. Tôi lớn lên trong xóm bình dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, nên hồi nhỏ thường nghe bà con lối xóm hát nghêu ngao:

           ... Bà già "lấy le" ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông...
               Hai người nói chuyện "Tâm Tình", ôm nhau... lọt xuống xình!... 

     Còn người Hoa hiện nay thì dùng từ TÂM TÌNH 心 情 để chỉ cái Trạng Thái tâm tư tình cảm vui buồn của con người, như "Hôm nay Tâm Tình không tốt(心 情 不 好)nên nó hay nổi giận với mọi người!"  Cụ thể nhất để chỉ trạng thái tâm lý của con người là từ...
     TÂM THẦN 心 神 : là Tâm tư và Tinh thần, thường chỉ cái dáng vẻ và thần thái bên ngoài của con người. Ta có thành ngữ TÂM THẦN BẤT ĐỊNH 心 神 不 定 để chỉ cái dáng vẻ bồn chồn lo lắng hay ưu tư hoảng hốt của ai đó.

     TÂM HỎA 心 火 là Lửa ở trong tim, lửa ở trong lòng. Theo Phật giáo, cơ thể con người là do Tứ Đại: Phong Thủy Hỏa Thổ 風 水 火 土, tức là Đất Nước Gió Lửa kết hợp lại mà thành, nên bản thân con người đã có một phần tư là lửa ở trong đó rồi, ngọn lửa đó cứ âm ỉ mãi trong tim tạo nên sự ham muốn mãnh liệt mà ta gọi là Lửa Dục Vọng. Trong văn chương Phật giáo thì gọi nhẹ nhàng hơn: Lửa Lòng, như cụ Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi tu ở Quan Âm Các:

               Cho hay giọt nước cành dương  
         Lửa Lòng tưới tắt mọi đường trần duyên…

   ... và như lời của Thúy Kiều đã phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về nhà đoàn tụ:

              Sự đời đã tắt Lửa Lòng,
       Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?!

      Trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều cũng đã gọi ngọn lửa âm ỉ đốt trong lòng người cung nữ là TÂM HỎA với các câu:

          Ngọn TÂM HỎA đốt dàu nét liễu, 
          Giọt hồng băng thấm ráo làn son. 
          Lại buồn đến cảnh con con, 
         Trà chuyên nước nhất, hương đùn khói đôi !

                     
                              

       Còn trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng mượn chữ TÂM HỎA nói thành “LỬA TÂM” để tả ngọn lửa ghen tuông trong lòng của Hoạn Thư là:

                         LỬA TÂM càng dập càng nồng,
                    Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
                         Ví bằng thú thật cùng ta,
                    Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên !    

      TÂM HUYẾT 心 血 : Không phải là từ dùng để chỉ trái tim và máu, hai thực thể sống còn không thể thiếu của cơ thể con người, mà là dùng để chỉ những gì được ấp ủ trong tim trong lòng được hình thành bằng bầu nhiệt huyết qua bao gian lao khổ nhọc trắc trở, qua bao thời gian vật vả mới hình thành làm nên một kế hoạch, một dự án, một công trình nào đó... như: Cơ ngơi đồ sộ nầy là Tâm Huyết suốt cả đời của ông ta đó! Nhưng...
     Khi là Tính từ, thì Tâm Huyết cũng có nghĩa như là Nhiệt Huyết. Con người Tâm Huyết là con người rất nhiệt tình với chức trách của mình. Lời Tâm Huyết là lời nói rất thực tình từ trong lòng mà ra.
                      
                             

     TÂM là Trái Tim, là Tấm Lòng, là Lòng Dạ... Câu đầu tiên của Huấn Mông Tam Tự Kinh đã dạy ta: Nhân chi sơ, Tính bổn thiện 人 之 出,性 本 善. Cái "Tính bổn Thiện" đó là "Cái trái tim hiền lành của con người, là cái LƯƠNG TÂM 良 心 mà khi cha sanh mẹ đẻ ra thì Trời đã phú sẵn cho mỗi con người rồi! Nếu ai không khéo giữ, làm trái với Lương Tâm, làm những điều thương luân bại lý hay ác đức sát nhân thì sẽ bị "Cái Lương Tâm" đó theo đuổi cắn rứt và dằn dật suốt cả cuộc đời, không sao sống yên ổn được. Nên...
     Nho Giáo thì dạy ta phải có NHÂN TÂM 仁 心 là lòng nhân từ khoan dung, như trong Tăng Quảng Hiền Văn đã khuyên:

         責 人 之 心 責 己,   Trách nhân chi tâm trách kỷ,
         恕 己 之 心 恕 人。   Thứ kỷ chi tâm thứ nhân.
     Có nghĩa :
             - Lấy cái lòng mình trách người ta để trách mình, và...
             - Lấy cái lòng mình tha thứ mình để tha thứ cho người khác!

     Phật Giáo thì khuyên ta phải có TỪ TÂM 慈 心 là lòng từ bi hỉ xả. Vì Từ Bi Tâm 慈 悲 心 tức là Phật Tâm 佛 心 đó. Phật dạy là chúng sinh đều có sinh mạng nên đều được xem bình đẵng như nhau; Vì thế mà ta không được sát sinh, mà còn phải cứu sinh, phóng sinh nữa, và cũng vì thế mà ta phải ăn chay ăn lạt. Làm được ba điều trên thì tự nhiên "Từ Bi Tâm" sẽ phát sinh. 
     TỪ 慈 là Nhân từ; BI 悲 là Thương xót; HỈ 喜 là Vui vẻ; XẢ 捨 là buông bỏ, là thả ra; nên TỪ BI HỈ XẢ 慈 悲 喜 捨, nói một cách Nôm na dễ hiểu là: Vì lòng nhân từ xót thương mà vui vẻ buông bỏ thả ra; chớ không phải hối tiếc con gà giò không "xé phai" được vì hôm nay phải ăn chay, nếu không thì đã cho nó vô nồi với bó rau răm rồi!

     Công Giáo thì đề cao THIỆN TÂM 善 心. Thiện Tâm là lòng hướng thiện một cách thuần thành. Người Thiện Tâm là người có đạo đức, có lý tưởng, sống để phụng sự Thiên Chúa và yêu thương con người. Trong các ngày lễ Chúa Nhật và trong các ngày lễ Trọng, lễ Kính, nhất là trong đêm Chúa Giáng Sinh nơi máng cỏ lừa trong hang đá ở xứ Bê-lem ta thường nghe câu hát ngợi ca :

                        Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,
                    Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm.
       
                  

      Như trên đã nói, bản thân chữ TÂM đã lương thiện rồi, nên từ HỮU TÂM 有 心 là Có Lòng, cũng có nghĩa là "Có Lòng Tốt" đó! Trong bài thơ Tặng Biệt 贈 別 nổi tiếng của thi nhân Đỗ Mục ở buổi Tàn Đường, có hai câu thơ rất hay như sau:

 蠟 燭 有 心 還 惜 別,Lạp chúc HỮU TÂM hoàn tích biệt,
 替 人 垂 淚 到 天 明。Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh!
Có nghĩa :
      - Ngọn nến như cũng CÓ LÒNG (tốt), nên cũng tiếc cho sự biệt ly, mà...
      - Thay thế người cứ nhỏ lệ nến mãi cho đến tận trời sáng tỏ!

                  Nến cũng CÓ LÒNG thương ly biệt,
                  Thay người nhỏ lệ suốt canh thâu !

      Ta thấy, bản thân chữ LÒNG đã có hàm ý là "LÒNG TỐT" rồi nên CÓ LÒNG là "Có Lòng Tốt". Trong rất nhiều ngữ cảnh, như: "Cám ơn bác đã CÓ LÒNG đến thăm tôi"."CÓ LÒNG" ở đây cũng có nghĩa là "CÓ LÒNG TỐT". Khi Từ Hải giúp Thúy Kiều Báo ân báo oán; Thúy Kiều đã nói với Thúc Sinh rằng:

                 ... Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
                     Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân ?
                     Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,
                     TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là !

     "Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân ?". "PHỤ LÒNG cố nhân" là "PHỤ LÒNG TỐT của cố nhân"; hay như câu: "TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là". "TẠ LÒNG" là "Cảm tạ Lòng Tốt của Thúc Sinh"... 
          
                 
       THỐNG TÂM 痛 心 hay THƯƠNG TÂM 傷 心 đều chỉ Đau Lòng, nhưng THỐNG TÂM hay TÂM THỐNG 心 痛 thì thường chỉ đau về thể xác, về những việc cụ thể như bị mất người thân chẳng hạn; còn THƯƠNG TÂM hay TÂM THƯƠNG 心 傷 là đau về mặt tinh thần, là nỗi đau của tâm hồn vì tâm lý bị tổn thương. Như Thúy Kiều gặp gia biến phải bán mình chuộc cha, phải đau lòng mà lìa nhà lìa cửa lìa bỏ người yêu để đi theo Mã Giám Sinh:
                              Đau Lòng tử biệt sinh ly,
                     Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên !

      Đó là nỗi đau cụ thể hiễn hiện trước mắt, còn khi ở lầu xanh "Mặc người mưa Sở mây Tần, nhưng mình nào biết có xuân là gì" mới là nỗi Thương Tâm đáng thương của đời kỹ nữ :

                             Nỗi lòng đòi đoạn xa gần,
                      Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau !

     Như ta đã biết, TÂM vốn Thiện, nên rất dễ bị mê hoặc, gọi là MÊ TÂM 迷 心, mà Tâm Mê thì Ý Loạn, không còn tỉnh táo để phân biệt phải trái, thị phi trắng đen gì nữa cả, nên cần phải làm cho TÂM sáng lên để biết phán đoán phân biệt cái nào đúng cái nào sai, cái nào nên theo, cái nào không nên làm... Vì thế mà tiền nhân đã soạn ra quyển "Minh Tâm Bửu Giám 明 心 寶 鑑" gom góp những lời vàng tiếng ngọc của các bậc Thánh nhân Hiền triết hoặc Danh Nho thời xưa đã nói trong các kinh điển hay sách vở, ngõ hầu để cho người đời sau học lấy và xem đó như là tấm gương báu để soi sáng lòng người.
     MINH TÂM 明 心 có chữ MINH 明 được ghép theo phép Hội Ý, gồm có bộ NHẬT 日 bên trái là nguồn sáng ban ngày, ghép với bộ NGUYỆT 月 bên phải là nguồn sáng ban đêm, nên MINH 明 là Sáng sủa, khi là Động từ thì có nghĩa là Làm cho Sáng Tỏ. BỬU GIÁM hay BẢO GIÁM 寶 鑑 có chữ BẢO 寶 là Báu vật quý giá; GIÁM 鑑 có bộ KIM 金 là Kim loại bên trái và chữ GIÁM 監 là Giám sát bên phải, nên có nghĩa là Tấm gương soi (Ngày xưa chưa có pha lê, nên người ta mài kim loại cho sáng bóng lên để làm gương soi). Vì thế MINH TÂM BỬU GIÁM 明 心 寶 鑑 có nghĩa là Tấm gương soi quý báu để cho người ta soi sáng lòng dạ của mình.
     Ta còn có một từ MINH TÂM nữa... 
     MINH TÂM 銘 心: chữ MINH 銘 nầy được ghép theo phép Hài thanh, gồm có bô KIM 金 là kim loại bên trái chỉ ý, bên phải là chữ DANH 名 chỉ âm (Vì âm Quan thoại DANH được đọc như MINH: "míng"); nên MINH 銘 nầy có nghĩa Khắc, là Trạm, là Tạc. Vì vậy mà MINH TÂM 銘 心 có nghĩa là "Tạc vào trong tim, khắc vào trong lòng". Ta có thành ngữ MINH TÂM KHẮC CỐT 銘 心 刻 骨 là Tạc vào trong tim, khắc vào trong xương, mà tiếng Nôm ta nói thành "Ghi Lòng Tạc Dạ". Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du nói là "Chạm Xương Chép Dạ" khi cho Thúy Kiều ngỏ lời cám ơn Từ Hải đã giúp mình trả ân trả oán:

                      ... Trộm nhờ sấm sét ra oai,
                     Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi.
                        CHẠM XƯƠNG CHÉP DẠ xiết chi,
                      Dễ đem gan óc đền nghì trời mây !

       Khi chàng Kim trở về vườn Thúy để tìm Kiều, thì mới biết Thúy Kiều đã bán mình cho Mã Giám Sinh. Vương viên ngoại đã kể lể với Kim Trọng rằng: "Trót lời hẹn với lang quân, Cậy con em nó Thúy Vân thay lời" và sau:

                          Mấy lời ký chú đinh ninh,
                     GHI LÒNG ĐỂ DẠ cất mình ra đi !...
             
            

     Trong đời sống con người, có rất nhiều điều ta phải Khắc Cốt Ghi Tâm, dù cho có tài cao bát đấu cũng phải biết hồi tâm chuyển ý, khiêm tốn đối nhân, không làm tổn thương lòng tự trọng của người chung quanh mà phải biết trân trọng tâm ý của tất cả mọi người, như cụ Nguyễn Du đã từng khuyên răn: "Có TÀI mà cậy chi TÀI, Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần". Và cụ đã kết thúc Truyện Kiều bằng lời khích lệ nhắc nhở:

                           Thiện căn ở tại lòng ta,
                    Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI!

     Mong rằng tất cả mọi người đều biết trân trọng cái TÂM của mình và cả cái TÂM của người khác nữa !

     Hẹn bài viết tới !

                                                                     杜 紹 德
                                                                  Đỗ Chiêu Đức